Bà An,ngụ Thái Bình,ngã gãy cổ xương đùi từ năm 1997,thay khớp háng nhân tạo hai lần. Hơn 20 năm sau,khớp nhân tạo có dấu hiệu lỏng lẻo,bà đi lại khó khăn,phẫu thuật lần thứ ba để bắt nẹp và ghép xương tăng cường. Sau mổ,bà không thể đi lại bình thường,dần gắn liền với xe lăn.
Lần này bà đến Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh Hà Nội điều trị,được ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền,Phó khoa Chấn thương chỉnh hình,chẩn đoán lỏng khớp,gãy thân xương đùi phải,cần mổ thay khớp.
Nguyên nhân khiến khớp nhân tạo lỏng lẻo là do sự mài mòn của vật liệu. Khi người bệnh đi lại,khớp dịch chuyển,kích thích vào xương đau đớn. Lỏng khớp không được xử lý sớm gây tiêu xương nghiêm trọng,vỏ xương mỏng dần,đôi khi có thể gãy xương quanh khớp nhân tạo. Khi đó,bệnh nhân không thể đi lại được.
Theo bác sĩ Quyền,giải pháp thay khớp háng nhân tạo thường thành công với hầu hết bệnh nhân,rất ít trường hợp phẫu thuật lần hai. Khớp nhân tạo cố định bằng xi măng cũng có hạn sử dụng hơn 20 năm. "Trường hợp thay khớp háng lần thứ 4 như bà An rất hiếm gặp",bác sĩ Quyền nói.
Bà An cao tuổi,thể trạng yếu,suy tim nên các bác sĩ khoa Tim mạch,Gây mê hồi sức,Chấn thương chỉnh hình hội chẩn để đưa ra phương án điều trị an toàn nhất. Chụp X-quang trước mổ cho thấy một phần đầu trên xương đùi và phía ổ cối bị tiêu xương nghiêm trọng,có vị trí gần như đứt rời,rất khó tái tạo.
Êkíp quyết định ghép xương tái tạo khung chậu và đầu trên xương đùi,sau đó thay khớp háng. Phẫu thuật này phức tạp,thời gian kéo dài,nhưng bệnh nhân có thể tập phục hồi sớm,chi phí điều trị hợp lý.
Êkíp phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Ca mổ kéo dài 5 tiếng,thành công. 5 ngày sau,nhờ các biện pháp giảm đau phối hợp đa mô thức,bà An có thể ngồi dậy,khả năng vận động cải thiện tốt,tình trạng tim mạch ổn định.
Bác sĩ Quyền cho biết bệnh nhân nhiều lần phẫu thuật,mô mềm xung quanh khớp đã hư hỏng nhiều nên nguy cơ trật khớp sau mổ rất cao. Bệnh nhân phải nằm đúng tư thế,tập vật lý trị liệu để hạn chế nguy cơ này. Sau ba tuần,vết mổ liền,không còn đau bên trong khớp,bà An có thể đi lại với khung tập đi. Hiện bà có thể tự đi lại bằng gậy chống,không còn cần xe lăn.
Hình ảnh chụp MRI trước và sau khi bệnh nhân thay khớp háng lần thứ tư. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện ở người độ tuổi trung niên trở lên,khi các biện pháp điều trị bảo tồn không cải thiện được tổn thương nghiêm trọng ở khớp háng,không giúp phục hồi chức năng vận động của người bệnh.
Bác sĩ Quyền khuyến cáo người bệnh khám định kỳ sau phẫu thuật thay khớp háng theo chỉ định để kiểm soát tốt kết quả phẫu thuật,tránh biến chứng. Đồng thời thực hiện các bài tập hỗ trợ kiểm soát cơ và khớp giúp cải thiện tình trạng đau nhức theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mỹ Linh
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp