Đoạn bờ biển sạt lở kéo dài khoảng một km,từ phường Thuận An,TP Huế đến xã Phú Thuận,huyện Phú Vang. Trong đó,điểm sạt nặng dài khoảng 300 m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An.
Sóng biển gây sạt lở tạo nên các hàm ếch. Ảnh: Võ Thạnh
Sóng biển ăn sâu đất liền hơn 50 m,phá hỏng vỉa hè. Hàng loạt cây phi lao dọc bờ biển bị sóng biển cuốn trơ rễ. Đường nội bộ của bãi tắm Thuận An và Phú Thuận bị đe dọa,hiện chỉ cách mép nước khoảng một mét.
Ngày 23/10,tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An.
Trực tiếp kiểm tra hiện trường,ông Hoàng Hải Minh,Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế,đánh giá nếu không có phương án xử lý khẩn cấp,cùng với thời tiết tiếp tục bất lợi,khu vực này có nguy cơ bị ăn sâu và cuốn trôi con đường nội bộ bãi tắm,ảnh hưởng lớn đến các nhà hàng dọc bờ biển.
Bờ biển giáp ranh xã Phú Thuận và phường Thuận An được gia cố bằng đá hộc. Ảnh: Vạn An
Ông Minh đề nghị chính quyền TP Huế và huyện Phú Vang huy động lực lượng và phương tiện tập trung gia cố,ngăn chặn việc xâm thực để bảo vệ các công trình hạ tầng cũng như an toàn cho người dân sống tại khu vực sạt lở; cắm biển cảnh báo,khoanh vùng nguy hiểm,bố trí lực lượng canh gác.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh được yêu cầu khẩn trương lập phương án xử lý khẩn cấp phòng,chống sạt lở bờ biển; huy động vật tư,phương tiện xe,máy của đơn vị thi công có năng lực để phối hợp chính quyền và các lực lượng trên địa bàn xử lý khẩn cấp theo phương án đã thống nhất.
Võ Thạnh