Ngày 24/7,Vui bị Công an tỉnh Gia Lai tạm giữ hình sự để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lê Thị Hồng Vui (trái) tại cơ quan điều tra. Ảnh: Ngọc Oanh
Theo điều tra ban đầu,hồi tháng 5,khi ông Thích Minh Tuệ bộ hành khất thực từ Bắc vào Nam,người phụ nữ 54 tuổi ở Australia vì mến mộ đã bay về Việt Nam,đi bộ 3 ngày cùng đoàn. Bà được Vui tiếp cận,làm quen.
Sau khi bà về nước,từ ngày 10/6 đến đầu tháng 7,Vui liên tục nhắn tin,gọi điện nói "cần tiền để lo cho sư Minh Tuệ" mua y áo,đồ dùng cá nhân; đi khám,điều trị bệnh... và sửa lại nhà,mua đồ dùng cho gia đình cha mẹ ông Tuệ. Sẵn lòng ái mộ ông Minh Tuệ,bà đã 9 lần chuyển tiền về cho Vui,tổng cộng hơn 250 triệu đồng.
Về sau bà nghi ngờ bị lừa đảo,nên ngày 12/7 đã bay về nước tìm Vui để làm rõ nhưng bị chặn mọi liên lạc. Bà đến gặp ông Tuệ và gia đình tại tỉnh Gia Lai tìm hiểu,biết Vui đã nói dối,lợi dụng ông Minh Tuệ để lừa tiền.
Vào cuộc điều tra,Công an tỉnh Gia Lai xác định Vui có hành vi như người phụ nữ trình báo nên bắt giữ.
Ông Lê Anh Tú,43 tuổi,có nhiều năm tu tập ở các ngôi chùa,pháp danh Thích Minh Tuệ. Để theo tu hạnh đầu đà,từ năm 2017,ông rời chùa và bắt đầu bộ hành đến gần như khắp mọi miền đất nước. Gần đây,ông được hàng nghìn người đi theo suốt quá trình khất thực. Cuối tháng 5,ông về quê ở Gia Lai làm căn cước công dân và ẩn tu.
Hơn một tháng trước,anh trai ông Lê Anh Tú có đơn tố cáo một số tài khoản trên mạng xã hội đăng tin vu khống ông lợi dụng hình ảnh Minh Tuệ để kêu gọi từ thiện,gây ảnh hưởng đến danh dự cá nhân,gia đình ông.
Ngày 19/6,Công an tỉnh Gia Lai cũng phát đi cảnh báo về tình trạng nhiều Tiktoker,Youtuber,Facebooker đã lợi dụng "hiện tượng ông Thích Minh Tuệ" để trục lợi. Trong 70 người cạo trọc đầu trong đoàn bộ hành đi theo ông Minh Tuệ qua các tỉnh Nghệ An,Hà Tĩnh,Quảng Trị có 16 Tiktoker,Youtuber đến từ tỉnh An Giang; 12 Tiktoker,Youtuber đến từ tỉnh Kiên Giang...
Trần Hóa