"Chúng tôi về đã đạt thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ,với các điều khoản cụ thể",Boeing thông báo ngày 8/7.
Hồ sơ tòa án nộp tại bang Texas trước đó một ngày cho thấy Boeing đã đồng ý nhận tội "âm mưu lừa dối chính phủ Mỹ" trong quá trình cấp phép dòng máy bay MAX.
Thỏa thuận được đưa ra sau khi các công tố viên kết luận Boeing đã vi phạm thỏa thuận mà nhà sản xuất máy bay và Bộ Tư pháp từng đạt được năm 2021,không thực hiện những thay đổi đúng cam kết để xử lý hai vụ tai nạn máy bay khiến 346 người thiệt mạng ở Ethiopia và Indonesia hơn 5 năm trước.
Thỏa thuận nhận tội giúp Boeing tránh bị xét xử hình sự. Họ sẽ phải nộp phạt 243,6 triệu USD và đầu tư tối thiểu 455 triệu USD trong vòng 3 năm cho các chương trình tuân thủ nguyên tắc và an toàn. Tòa án sẽ định đoạt mức Boeing bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Một luật sư tại Clifford Law,đại diện cho gia đình các nạn nhân,cho biết các gia đình "rất thất vọng" trước diễn biến này. Các gia đình sẽ yêu cầu tòa án không chấp nhận thỏa thuận nhận tội này.
Logo của Boeing tại sân bay Le Bourget Airport,Pháp,hồi tháng 6/2023. Ảnh: Reuters
Vào ngày 29/10/2018,máy bay thuộc hãng Lion Air của Indonesia rơi trên biển Java khiến toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn tử nạn. Dữ liệu hộp đen cho thấy máy bay gặp sự cố kỹ thuật ngay sau khi cất cánh và phi công không thể giải quyết. Khoảng 5 tháng sau,hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp thảm kịch tương tự,khiến 157 người trên khoang thiệt mạng.
Các cuộc điều tra tai nạn cho thấy Boeing đã thêm vào dòng MAX 8 một hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay tự động (MCAS) mà không thông báo rõ ràng cho phi công hoặc hãng hàng không.
MCAS đọc góc tấn (góc giữa mũi máy bay và luồng khí) của 737 MAX thông qua cảm biến gắn trên mũi. Nếu mũi máy bay bị chếch lên quá cao,MCAS sẽ điều khiển phần đuôi để giữ máy bay thăng bằng và tránh thất tốc (hiện tượng dòng khí qua cánh không đủ để tạo lực nâng cho máy bay).
Tuy nhiên,các nhà điều tra cho rằng các cảm biến có thể đã cung cấp thông tin sai lệch về góc tấn và MCAS cố gắng khắc phục nhưng đi quá xa,khiến cả hai máy bay bị rơi. Boeing đã hạ thấp tầm quan trọng của hệ thống MCAS và không kiểm tra toàn diện cho đến sau vụ tai nạn thứ hai.
Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2021 cáo buộc Boeing phạm tội lừa đảo vì đã cố tình đánh lừa Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) trong quá trình kiểm định chất lượng dòng 737 MAX 8. Boeing sau đó quy trách nhiệm cho hai nhân viên cấp thấp trong công ty. Boeing đạt thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Bộ Tư pháp Mỹ để tránh bị truy tố,với cam kết điều chỉnh chính sách đảm bảo an toàn.
Ngày 14/5,Bộ Tư pháp Mỹ thông báo cân nhắc truy tố Boeing vì đã vi phạm thỏa thuận nói trên,không thực hiện những thay đổi đúng cam kết. Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/6 đưa ra thỏa thuận nhận tội cho Boeing và cho công ty thời hạn một tuần để xem xét.
Với việc chấp nhận thỏa thuận nhận tội,Boeing sẽ bị coi là "thực thể phạm trọng tội",khiến họ có thể gặp khó khăn trong việc nhận những hợp đồng lớn với chính phủ,như với Bộ Quốc phòng Mỹ và NASA.
Tuy nhiên,thỏa thuận giúp Boeing tránh phải ra hầu tòa,điều có thể khiến thêm nhiều vấn đề nội bộ của công ty bị công khai. Boeing sẽ có giám đốc điều hành mới vào cuối năm nay. Do đó,thỏa thuận sẽ giúp họ nhanh chóng khép lại vấn đề để "bước sang chương mới",khi họ đang xin chấp thuận cho kế hoạch mua lại công ty hàng không Spirit AeroSystems.
Ngọc Ánh (Theo AFP)