Khi đọc các bài báo viết về vấn đề trường chuyên như ''Có nên đua cho con vào trường chuyên,lớp chọn?'',''Tư tưởng 'học giỏi vào trường chuyên' khiến giáo dục mất cân bằng'',... tôi xin chia sẻ quan điểm của mình để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
Ở Việt Nam vào dịp nghỉ hè có không ít các em học sinh tất bật học thêm,ôn luyện để tham gia cuộc đua vào trường chuyên khi chuyển cấp mà không được tận hưởng kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Không chỉ các em học sinh vất vả trên đường đua vào trường chuyên mà nhiều bậc phụ huynh cũng căng thẳng không kém gì tham gia một cuộc đua.
Tuy nhiên trong thời gian qua có nhiều quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên chạy đua cho con vào trường chuyên. Hiện nay nhiều người có suy nghĩ và góc nhìn chưa công bằng với trường chuyên,thậm chí đòi tẩy chay trường chuyên,rồi quy chụp trường chuyên chỉ là luyện lý thuyết dẫu có học giỏi,giành giải này,giải nọ nhưng thực tế chưa cung cấp nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước như kỳ vọng...
Nhiều người đưa ra ý kiến về sự tồn tại của trường chuyên gây lãng phí ngân sách quốc gia; gây bất bình đẳng trong giáo dục. Gần đây,dư luận lên tiếng nhiều về chương trình dạy học,môi trường học của trường chuyên,khen có chê có,ủng hộ có mà tẩy chay cũng có. Và ở đâu đó,người ta đang đánh đồng các em học sinh trường chuyên là "mọt sách","gà nòi" như nhau.
Qua thực tiễn tuyển sinh chúng ta cũng nhận thấy học sinh trường chuyên không chỉ giỏi mỗi môn chuyên mà các môn khác cũng vượt trội. Bằng chứng là thi vào trường chuyên thường phải thi bốn môn: Môn chuyên (x hệ số 2),Toán,Văn,Ngoại ngữ.
Học sinh đỗ trường chuyên thường là học sinh giỏi của cấp học phía dưới nên chắc chắn không chỉ giỏi mỗi môn chuyên. Đỗ trường chuyên là ước mơ của nhiều học sinh. Muốn đạt được ước mơ,tất yếu phải có đam mê và nỗ lực của chính bản thân học sinh.
Ai bảo học sinh trường chuyên không sáng tạo? Thử hỏi trong môi trường học tập như trường chuyện,lẽ tất nhiên sáng tạo là cách để tồn tại và vươn lên. Tôi có nhiều bạn học và đồng nghiệp từng là cựu học sinh trường chuyên.
Với chương trình học trường chuyên: Học nâng cao hơn chương trình học 3 năm cấp 3 so với chương trình đại trà bên ngoài,đó là điều tất yếu do đầu vào tốt hơn; với việc học nâng cao hơn này không ảnh hưởng quá nhiều để các bạn nói nó tốn thời gian,ảnh hưởng đến đam mê sáng tạo.
Các môn thi đại học vẫn được trường chuyên học ôn thi rất đều,thực tế tỷ lệ đỗ các trường đại học top đầu rất cao. Sau này lên đại học học 2 năm cuối chuyên ngành do nền tảng tư duy chiều sâu có từ cấp 3 nên đa số các bạn có độ bứt phá nên không thể nói học trường chuyên "không có tính kế thừa và phát triển"?.
Tôi hỏi bạn bè và đồng nghiệp từng học chuyên "có thích không",họ nói thích vì đó là đam mê của thủa học trò. Nếu họ không đam mê sao học đến mức đó. Hỏi sau này đi làm có dùng kiến thức được học không? Họ nói có,dùng rất nhiều,kể cả bạn làm kinh doanh,làm quản lý,làm nhà đầu tư hay chuyên viên kỹ thuật với tư duy logic đó bạn sẽ làm tốt hơn.
Học trường chuyên cũng áp lực giống như các vận động viên chuyên nghiệp,thi đấu thành tích cao. Cái gì cũng có sự đánh đổi của nó và mọi sự hy sinh đều đáng trân trọng.
Nhiều người cho rằng học chuyên để đi thi thố lấy thành tích,rồi sau này ra đời,cái mớ kiến thức ở cấp phổ thông đó chả có ứng dụng gì có khi ra trường xong lại làm lính cho các sếp tốt nghiệp trường làng.
Quan điểm về sự thành công và hạnh phúc của mỗi người là khác nhau,có người cho rằng trở thành doanh nhân giàu có mới là thành công,có người cho rằng được theo đuổi lĩnh vực khoa học hoặc công việc chuyên sâu đó là hạnh phúc...
Chúng ta không có quyền áp đặt trên vai các em học sinh trường chuyên sau này phải giàu có,phải trở thành lãnh đạo,phải là ông nọ bà kia. Cá nhân tôi thấy trường chuyên không có lỗi gì cả,cái chính là cách tiếp cận sự "chuyên" đó thôi. Quan trọng vẫn là phần định hướng của phụ huynh,học lực và sở trường của học sinh,các em cũng cần biết được bản thân muốn được học trong môi trường nào phù hợp với mình.
Có những em học sinh học trường chuyên là để thực hiện theo sở thích của phụ huynh,để người lớn được oai được tự hào với hàng xóm,người thân,đồng nghiệp và thiên hạ. Bạn không thích trường chuyên thì bạn có quyền không thi vào.
Tôi đã 39 tuổi và từng mơ ước được học trường chuyên,nhưng trường chuyên cách xa nhà và thuở đó tôi tự ý thức được lực học của tôi chưa đủ tự tin vượt qua cuộc đua vào trường chuyên. Tôi thấy trường chuyên phù hợp và là lựa chọn đúng đắn của những học sinh xuất sắc.
Xã hội có nhiều lựa chọn,bạn có quyền chọn con đường khác. Dù là trường chuyên hay trường làng,chúng ta cũng cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất,chất lượng giáo viên... mới mong đem lại nguồn nhân lực cao trong tương lai.
Trong các tiêu chí đánh giá trường học đạt chuẩn quốc gia cũng có hai tiêu chí quan trọng là giáo viên và cơ sở vật chất,thiết bị dạy học. Nên không thể nói đầu tư cho trường chuyên gây lãng phí hoặc gây mất cân bằng cho xã hội. Nếu không tồn tại trường chuyên,ngành giáo dục đưa các giáo viên giỏi của trường chuyên về dạy những học sinh bình thường liệu có phát huy hết năng lực của các thầy cô đó không? Đây chẳng phải là lãng phí nguồn tài nguyên nhân lực hay sao?
Trường chuyên là nơi hội tụ những học sinh giỏi,thầy cô giỏi,môi trường học tập và rèn luyện rất tốt,học sinh thúc đẩy nhau học tốt hơn. Môi trường trường chuyên bây giờ rất năng động,học sinh học giỏi toàn diện các môn văn thể mỹ và tích cực tham gia nhiều vào các hoạt động ngoại khóa,các câu lạc bộ.
Nếu nghĩ trường chuyên học sinh chỉ học một môn chuyên hay vài môn liên quan thì suy nghĩ của bạn là "quy chụp". Bạn bè,đồng nghiệp của tôi học trường chuyên ra tôi thấy họ khác hẳn,đừng cố định kiến nói học trường chuyên vô nghĩa,trên đời này chẳng có gì là thừa đâu,nói như vậy không có nghĩa là những bạn không học chuyên là không giỏi.
Tóm lại nên nhìn nhận trên cái tổng quan,đừng nhìn cái tiểu tiết để đánh giá. Trường chuyên là mô hình học tập tốt nhất cho những người có tốt chất vượt trội. Môi trường học tập đó xứng đáng dành cho những bạn đủ năng lực và có đam mê. Những học sinh thông minh cần có môi trường tốt để phát triển khả năng hơn người của mình thành các kỹ năng năng lực để đạt được các thành tích cao trong cuộc đời.
Bên cạnh đó,với những ngôi trường không chuyên nhưng lãnh đạo nhà trường có định hướng và quy hoạch phát triển giáo dục hiệu quả vẫn thu hút và quy tụ được nhiều giáo viên giỏi,tâm huyết với nghề.
Đồng thời nhà trường có cơ sở vật chất,phòng thí nghiệm hiện đại giúp khơi dậy đam mê học tập của học trò; một ngôi không chuyên dạy những học sinh bình thường trở lên giỏi,xuất sắc khi đó ắt các em học sinh cùng phụ huynh sẽ không nhìn nhận trường chuyên là môi trường hoàn hảo duy nhất đào tạo ra những học sinh xuất sắc.
Nguyễn Xuân Vũ