"Sếp cũ của tôi phải lo nuôi hai người em trai. Tới khi các em ổn định,vợ con đề huề thì chị 38 tuổi. Loay hoay một thời gian,chị đi trữ đông trứng,trải qua ba mối tình chắp vá nhưng rốt cuộc không tới đâu.
Bây giờ tuổi 46,chị đang tự trả góp căn hộ studio cho riêng mình. Trong khi em trai kế sống trong nông trại thênh thang ven thành phố. Em trai nhỏ thì có một căn chung cư ở Thủ Đức,một căn quận 7.
Sếp hiện tại của tôi cũng nuôi một em trai,một em gái. Nhưng sếp có vợ. Vừa nuôi con vừa nuôi em nên dù thu nhập cao nhưng sếp vẫn chật vật. Vợ sếp suốt ngày nhăn nhó vì con thiếu cái này,cái kia.
Tiền thưởng chị vợ vừa lãnh thì bị chồng (là sếp tôi) 'vay tạm' để đưa cho đứa em thất nghiệp trang trải,khiến chị nổi khùng. Nhà cửa ở ké bên vợ làm sếp cảm thấy tự ti,lâu lâu xỉn là nhà cửa rần rần cãi nhau.
Bởi vậy,ai có thân nên tự lo. Chỉ có cha mẹ mới nuôi con. Còn anh em kiến giải nhất phận. Người suốt ngày canh cánh nuôi em,để bản thân thiệt thòi là dại dột. Kẻ ỷ lại,chăm chăm dựa dẫm anh chị là... vô trách nhiệm với bản thân".
Độc giả Hoàng Anh kể hai câu chuyện về sếp cũ và sếp mới của mình như trên. Cả hai nhân vật trong câu chuyện đều phải tốn thanh xuân,tiền bạc để nuôi em.
Bình luận này được chia sẻ xuất phát từ câu chuyện Tình xưa mở đường kết hôn dù tôi U40 không nhà,không xe,khi tác giả phải đánh đổi hạnh phúc riêng tư để hết lòng lo cho cha mẹ và các em,đến tuổi U40 không có nhiều tiền tích lũy,nên chần chừ với hạnh phúc đến muộn.
Đây cũng là vấn đề nhiều người gặp phải. Độc giả Tien Thinh mượn câu chuyện để phân tích và đưa ra lời khuyên:
"Hiểu sâu một chút,tôi thấy bố mẹ tác giả chỉ sinh đẻ chứ có điều kiện nuôi dạy con. Cả hai người đều thiếu thốn và bệnh tật rồi mất sớm,con cái thiếu ăn thiếu học,đứa lớn nuôi đứa bé,rồi cuối cùng đứa lớn (là tác giả) cũng sống một đời cơ cực,40 tuổi còn chưa đâu vào đâu.
Tôi hy vọng tác giả xây đắp gia đình với cô gái lỡ dở kia sẽ hạnh phúc. Tuy nhiên,cuộc đời không như mơ,chưa sống thì chưa biết được.Tôi khuyên các bạn trẻ liệu cơm gắp mắm,kinh tế khó khăn thì sinh một con thôi,dư dả thì hai con,nếu có thêm bệnh tật nữa thì không sinh con.
Tích lũy cho bản thân và mua bảo hiểm để tự chăm lo cho tuổi già của mình. Đừng để bản thân mình đã khổ lại tạo nên những cái khổ tiếp theo cho con cái".
Độc giả Plutino đồng tình với quan điểm này,cho rằng ông bà ta thường dựa vào việc lấy anh chị nuôi em,dẫn đến một người con phải gánh vác trách nhiệm thay cho cha mẹ. Điều này không công bằng và gây ra nhiều áp lực cho người con đó"
"Ông bà ta nói 'trời sanh voi sanh cỏ' thực ra thường là "lấy anh chị nuôi em" chứ thực sự họ chỉ đẻ,nuôi một đứa biết làm (thường là con cả hay người giỏi giang nhất) thì giao hết trách nhiệm cho con,kể cả trách nhiệm nuôi họ.
Cứ nhìn vào nhà nào nhiều con sẽ thấy thường có một người con chịu trách nhiệm gánh vác hết,sinh ra chỉ để gánh gồng thay trách nhiệm của bố mẹ".
Về hy vọng tươi sáng,độc giả Tin nguyễn khuyên không nên lo lắng nhiều:
"Tôi nghĩ đây là món quà mà tác giả đáng được nhận. Đây là ngã rẽ của cuộc đời,nếu không nhận thì suốt đời cũng sẽ sống như vậy thôi,thậm chí còn xấu hơn nữa vì tuổi tác càng lớn thì cơ hội càng nhỏ đi. Có thêm người đồng hành thì thêm động lực,thêm ý tưởng để thay đổi cuộc đời. Chúc may mắn".
Độc giả nickname Ngồi Không - Thích Chém Gió đưa lời khuyên chân thành:
"Tôi là đàn ông,theo tôi cái quan trọng là đàn ông phải có bản lĩnh,ít nhất phải có một nghề chuyên môn nào đó để nuôi gia đình. Bạn cũng sắp vào 40,không còn trẻ nữa,chỉ có bản thân bạn hiểu rõ bản thân và kinh tế của chính mình.
Tôi sống rất thực tế,nhiều lời động viên 'tình yêu chân thật sẽ giúp hai bạn vượt qua tất cả',chỉ là câu nói thôi. Không tiền,không công việc,sống bằng tình yêu được sao? Chưa nói đến việc tương lai con cái sau này.
Đây là vấn đề nan giải,vì chỉ có bạn hiểu rõ vị trí của mình nhất. Ở tuổi như bạn vẫn còn có thể làm lại từ đầu,nhưng ở tuổi này nó đòi hỏi bạn phải trội hơn đa phần trong xã hội. Tất cả là sự lựa chọn của bạn,chúc bạn có cuộc sống tốt hơn".
Hữu Nghị tổng hợp