Gặp gỡ tin tức

Tại sao trẻ béo phì vẫn suy dinh dưỡng?

Jun 29, 2024 IDOPRESS
Trẻ mũm mĩm vẫn có thể thiếu hụt chất dinh dưỡng do thường ăn món giàu năng lượng như chất béo, đường, tinh bột…, nhưng ít thực phẩm chứa sắt, kẽm, canxi, phốt pho.

Bác sĩ Lê Huyền Nhi,khoa Dinh dưỡng,Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội,cho biết thông tin trên,thêm rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này,phổ biến là sự mất cân đối trong chế độ dinh dưỡng. Điều này khiến cơ thể trẻ thừa năng lượng,tăng cân nhưng chủ yếu tăng mỡ,thiếu cơ,thiếu máu,thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu,còi xương,dẫn đến suy dinh dưỡng thể ẩn.

Ngoài ra,trẻ không được bú mẹ trong 6 tháng đầu đời,uống sữa không phù hợp với lứa tuổi,ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời làm mất cơ hội hấp thụ vitamin D,dễ thiếu canxi. Bé ăn dặm sớm trước 5 tháng tuổi dễ bị rối loạn chuyển hóa,hạn chế khả năng hấp thụ canxi. Trẻ ít vận động còn khiến năng lượng thừa tích trữ dưới dạng mỡ,có thể dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng thể béo phì.

"Lầm tưởng chỉ trẻ gầy còm mới suy dinh dưỡng khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thể béo phì khó phát hiện để điều trị sớm",bác sĩ Nhi nói.

Như bé An,2 tuổi,đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám dinh dưỡng và tai mũi họng. Chị Hồng,mẹ của bé,bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán con bị suy dinh dưỡng thể thấp còi,thiếu nhiều vi chất. Con nặng 14,8 kg,cao 82 cm. "So với các bạn,con thấp hơn nhưng cân nặng nhiều hơn hẳn",chị Hồng nói.

Trong khoảng 90 dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển toàn diện,bé có thể thiếu cùng lúc nhiều dưỡng chất khác nhau như canxi,sắt,kẽm,magie,vitamin A,D,B...

Theo bác sĩ Nhi,thiếu vi chất dinh dưỡng kéo dài dù không đe dọa đến tính mạng nhưng không phát hiện kịp thời khiến bé có nguy cơ chậm tăng chiều cao,suy giảm miễn dịch,mệt mỏi,khó ngủ,hay ra mồ hôi trộm,kém linh hoạt,kém tập trung. Trẻ dưới một tuổi thường chậm nói,chậm đi,chậm mọc răng,thóp mềm,chậm liền thóp... Khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng,trẻ dễ mắc bệnh tiêu hóa,hô hấp,dẫn đến biến dạng lồng ngực,gù lưng. Tình trạng béo phì còn tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính như tiểu đường,tăng huyết áp,ung thư (nhất là ung thư đại trực tràng),viêm xương khớp,rối loạn lipid.

Để phát hiện bệnh,bác sĩ khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm xác định nồng độ vi chất chuyên sâu,đo thành phần cơ thể,phân tích chỉ số nhân trắc (chiều cao,cân nặng,chỉ số vòng ngực,vòng đầu...) cho trẻ. Từ đó,bác sĩ đánh giá tình trạng dinh dưỡng,các bệnh lý liên quan,chế độ ăn hàng ngày của bé.

Trẻ đo chiều cao,cân nặng để theo dõi quá trình tăng trưởng. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Khi chẩn đoán chính xác,bác sĩ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cân bằng,đầy đủ,phù hợp với từng chỉ định,bệnh lý,sở thích của bé. Bé được tư vấn chế độ tập luyện,vận động khoa học.

Bác sĩ Nhi khuyến cáo phòng tránh suy dinh dưỡng thể béo phì ngay từ khi phụ nữ mang thai đến khi trẻ đi học. Trong thai kỳ,mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu và đủ năng lượng. Nửa giờ đầu sau khi chào đời,trẻ cần được bú sữa mẹ để hấp thu các dưỡng chất trong sữa non. Trong vòng 6 tháng đầu đời,trẻ nên bú sữa mẹ và bú mẹ cho đến 24 tháng tuổi. Phụ huynh tránh cho con ăn dặm trước 6 tháng tuổi. Chế độ ăn dặm nên đa dạng thực phẩm,nên đến bác sĩ dinh dưỡng tư vấn để đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng.

Bé dưới ba tuổi cần được bổ sung đủ 4 nhóm chất (chất đạm,chất béo,tinh bột,vitamin và khoáng chất) với lượng vừa đủ. Bổ sung nhiều rau xanh,trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ,đồng thời giảm thực phẩm chế biến sẵn,nhiều dầu mỡ,đường,nước ngọt có gas...

Trẻ cần tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời để tăng khả năng hấp thụ canxi cho cơ thể. Thời điểm thích hợp nhất để tắm nắng vào khoảng 7-8h. Phụ huynh nên khuyến khích con tập luyện thể dục đều đặn như bơi lội,đạp xe,aerobic,cầu lông,chạy bộ... để kích thích trao đổi chất,tăng hấp thụ chất dinh dưỡng,tiêu hao năng lượng.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp