Trả lời:
Trà xanh đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe do chứa axit folic,vitamin B,kali,sắt,canxi,hợp chất flavonoid có đặc tính chống oxy hóa,chống viêm. Thức uống này có tác dụng giảm cân,giảm nguy cơ ung thư và loãng xương,kiểm soát huyết áp cao,hỗ trợ phòng bệnh tim mạch,tiểu đường type 2.
L-theanine trong trà xanh là loại axit amin giúp tăng cường hormone dopamine,giảm căng thẳng,có thể hữu ích cho phụ nữ bị thay đổi tâm trạng trong kỳ kinh nguyệt. Hàm lượng catechin trong loại trà này cao hỗ trợ giảm đau bụng kinh bằng cách ức chế mức hormone prostaglandin gây co thắt cơ tử cung.
Tuy nhiên,uống trà xanh với lượng lớn cũng gây ra nhiều tác dụng phụ cho nữ giới ở thời điểm này như thiếu sắt,táo bón...
Dễ gây thiếu chất sắt: Ngoài lượng sắt mất đi bình thường của cơ thể,phụ nữ còn mất thêm 18-21 mg sắt mỗi kỳ kinh nguyệt. Catechin và axit tannic trong trà có thể kết hợp với các phân tử sắt trong thức ăn tạo thành chất kết tủa,cản trở sự hấp thu sắt ở niêm mạc ruột. Do đó,uống trà trong kỳ kinh nguyệt khiến lượng sắt bị hao hụt.
Làm nặng thêm các phản ứng kinh nguyệt: Do thay đổi trong điều hòa thần kinh nội tiết,nữ giới trong chu kỳ kinh nguyệt thường có các biểu hiện đau đầu,đau lưng... với mức độ khác nhau. Caffeine,theophylline và các chất khác trong trà có tác dụng kích thích,gây mất ngủ và làm trầm trọng thêm phản ứng này.
Tăng nguy cơ táo bón: Tăng tiết hormone steroid nội sinh progesterone khiến một số phụ nữ bị táo bón trong thời kỳ kinh nguyệt. Trà xanh chứa khoảng 50% axit tannic,có khả năng kết tủa các protein trong ruột,làm chậm nhu động ruột,dẫn đến táo bón.
Trà xanh chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng nên uống lượng vừa phải. Ảnh: Mỹ Thịnh
Nếu cơ thể nhạy cảm với tannin và caffeine,bạn nên hạn chế sử dụng đồ uống này vào kỳ kinh nguyệt. Hiện không có giới hạn về lượng trà xanh tiêu thụ phù hợp,do mỗi loại,cách chế biến,quá trình bảo quản... nên hàm lượng dưỡng chất trong nước trà khác nhau. Tuy nhiên,bạn nên pha trà xanh loãng,uống cách bữa ăn 1-2 tiếng để tránh cản trở hấp thu sắt,đảm bảo sức khỏe. Hạn chế uống vào buổi tối để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Nếu có sở thích uống trà,bạn có thể chọn loại không chứa caffeine hoặc thay thế bằng trà thảo dược không chứa tannin như trà bạc hà,trà hoa cúc,trà gừng... Trong kỳ kinh nguyệt,bạn nên uống đủ nước,ăn đa dạng thực phẩm như thịt,cá,trứng,sữa,rau xanh và quả chín,hạn chế đồ chiên rán,thịt mỡ...
Chuyên viên Nguyễn Thị Quỳnh
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội