Ngày 23/10,bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương,Chủ nhiệm Khoa Phụ sản,Bệnh viện Quân y 354,cho biết sản phụ mang thai lần 3,đang chờ "ngày đẹp" để mổ. Tuy nhiên,bác sĩ nhận thấy thai nhi 39 tuần nằm trong tử cung có vết sẹo,trọng lượng em bé lớn,người mẹ nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người phụ nữ cho biết ít đi khám thai và không xét nghiệm sàng lọc đánh giá các nguy cơ như tiền sản giật,đái tháo đường,cũng không biết mình mang thai trên tử cung có vết mổ đẻ,nên không lường được những nguy hiểm có thể gặp phải.
"Sản phụ mang thai tới hơn 39 tuần,thai to nhưng vẫn cố chờ đến 'ngày đẹp' để mổ là vô cùng nguy hiểm",bác sĩ Phương cho hay.
Các bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu ngay,đón bé gái nặng 5,9 kg chào đời khỏe mạnh. Đây là bé sơ sinh nặng cân nhất các bác sĩ Sản khoa tại bệnh viện đón thành công. Hiện tại,tình trạng sức khỏe của sản phụ ổn định.
Em bé chào đời 5,9 kg khỏe mạnh. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Các trường hợp mang thai to bất thường,khoảng 4,5 kg trở lên,được coi là thai kỳ nguy cơ. Thai quá lớn thường là nguyên nhân gây vỡ tử cung - một tai biến sản khoa nặng có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con,đặc biệt khi tử cung đã có sẹo mổ trước đó.
Ngoài ra,thai to bất thường cũng thường gặp trong trường hợp thai phụ bị bệnh đái tháo đường trong thai kỳ,là nguyên nhân gây nhiều biến chứng nặng nề như tiền sản giật,sản giật,sảy thai,thai lưu,đẻ non... làm tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ và thai nhi. Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị suy hô hấp,hạ đường máu,hạ canxi máu,tăng bilirubin máu,bệnh đa hồng cầu và tăng độ nhớt máu có thể dẫn đến tử vong chu sinh.
Bác sĩ Phương khuyến cáo với những thai phụ có tiền sử mổ đẻ cần khám,quản lý thai kỳ chặt chẽ trong những lần mang thai tiếp theo. Trẻ sơ sinh nặng cân cần được theo dõi thường xuyên,đến bệnh viện khám nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
Đến nay kỷ lục trẻ chào đời nặng cân nhất Việt Nam thuộc về em bé 7,1 kg ở Vĩnh Phúc,sinh năm 2017. Một bé gái ở Gia Lai chào đời năm 2008 cân nặng gần 7 kg. Năm 2014,một bà mẹ ở Quảng Nam nặng 102 kg sinh con 6,5 kg.
Thúy Quỳnh