Ấn phẩm gồm 42 bài viết,chia thành năm phần: Trước ngưỡng cửa tự lập,Đọc nhiều sách thì không thể là người xấu,Trường học hay Trường đời,Hiểu đúng về thành công và hạnh phúc,Lúc 20 tuổi tôi đã nghĩ,20 năm sau tôi thấy mình đã sai.
Phần đầu tiên dành riêng cho các thí sinh và phụ huynh vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT với các nội dung: Kỹ năng người trẻ cần có trong thời đại số; Tân sinh viên trước ngưỡng cửa tự lập; Nói gì với tân sinh viên?; Khi nào thì đi du học?; Có nên "gap year"?; Trượt đại học,làm gì?.
"Trường học hay trường đời" được tái bản lần thứ tư,gồm 200 trang,khổ 13x20 cm. Sách do báo Tiền Phong và Nhà xuất bản Thanh Niên liên kết xuất bản và phát hành. Ảnh: Tienphong
Tác giả cho biết nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ độc giả qua các lần tái bản. Sau gần 5 năm,nhận thức của anh về thế giới xung quanh phong phú hơn,nhiều nội dung được cấu trúc lại và bổ sung để thiết thực hơn với bạn đọc.
Ở phần Tân sinh viên trước ngưỡng cửa tự lập,anh đưa ra những chỉ dẫn cuộc sống. Theo tác giả,khi đi ở trọ,tân sinh viên cần thay đổi suy nghĩ so với khi ở nhà cùng bố mẹ. Anh khuyên giảm bớt cái tôi để sống hòa đồng cùng mọi người,học cách giao tiếp và truyền thông điệp với những người bạn mới,tập đánh giá con người và tha thứ khi bị bạn cùng phòng lợi dụng.
Tác giả cũng đề xuất một số cách giúp tân sinh viên nhanh chóng thích nghi cách học ở giảng đường như chủ động đón nhận kiến thức,tìm phương pháp học tập và nghiên cứu phù hợp nhất,làm quen với bài tập nhóm - khởi điểm cho khái niệm teamwork.
Anh cho rằng các sinh viên không nên cuống cuồng đi tìm việc làm thêm ngay từ năm thứ nhất nếu điều kiện kinh tế gia đình không quá khó khăn,thời điểm lý tưởng nhất là năm thứ ba. "Việc làm thêm phải liên quan đến chuyên môn mình đang học ở trường và không bao giờ được để ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nữ sinh học sư phạm không nên đi làm thêm tại quán bar,nam sinh công nghệ thông tin không nên đi bốc vác... những công việc như thế này chẳng bổ sung được gì cho chuyên ngành mình đang học. Và đặc biệt,phải tránh xa bán hàng đa cấp bất chính bởi làm giàu chưa bao giờ là dễ dàng",tác giả viết.
Không chỉ đưa ra tư vấn cho học sinh,sinh viên,tác giả góp tiếng nói trong việc thay đổi định kiến của cha mẹ. Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra phụ huynh nhiều thế hệ chung suy nghĩ phải thi đỗ đại học mới là thành công,vì thế vô tình tạo áp lực lên con cái.
Tác giả Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: Dương Triều
Xuyên suốt cuốn sách,tác giả nêu thông điệp đại học chỉ là một dấu mốc trong hành trình học tập kéo dài suốt đời người. Phó Giáo sư,Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn Doanh nghiệp,Trường Đại học Ngoại thương - nói: "Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc chuẩn bị tốt những hành trang cần thiết thích ứng với thời cuộc. Tự học,học liên tục,học ở trường,học ở đời,học để làm chủ cuộc đời mình".
Bà Nguyễn Mến - tác giả của một số đầu sách bán chạy về chủ đề kinh doanh - nhận xét: "Nhiều nội dung được tác giả bổ sung phù hợp với hiện tại và vẫn thể hiện rõ nét phong cách gần gũi,chân thành dành cho thế hệ trẻ,nhất là sinh viên. Cảm xúc của người đọc được tác giả chú ý chăm chút đến tận những trang cuối cùng".
Tác giả Nguyễn Tuấn Anh,48 tuổi,là Trưởng ban Sinh viên,báo Tiền Phong. Anh từng viết sách cho tiến sĩ Lê Thẩm Dương (chuyên gia kinh tế,diễn giả),tiến sĩ Alok Bharadwaj (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á,Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách chiến lược của Canon châu Á). Tác giả phụ trách các dự án truyền thông giữa báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP),Liên minh châu Âu (EU),Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC).
Anh từng ra mắt các ấn phẩm Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất,Sáu bước tự xuất bản một cuốn sách.
Hải Triều