Khảo sát của Caixin - trang tin tức tài chính hàng đầu Trung Quốc - tập trung vào nhóm công ty tư nhân nhỏ,định hướng xuất khẩu. Mốc trên 50 cho thấy hoạt động sản xuất có sự tăng trưởng.
Theo số liệu của Caixin,PMI tháng 6 đạt 51,8 điểm. Mức này tăng so với tháng trước đó,vượt dự báo và cao nhất kể từ tháng 5/2021. Chỉ số này đã đi lên 8 tháng liên tiếp.
Tuy nhiên,số liệu theo công bố của Caixin hôm 1/7 trái ngược với PMI chính thức do giới chức nước này đưa ra cuối tuần trước. Theo đó,sản xuất của Trung Quốc lại đi xuống tháng thứ 2 liên tiếp. Báo cáo chính thức tập trung chủ yếu vào công ty lớn và quốc doanh.
Các số liệu trên cho thấy có sự phân hóa trong ngành sản xuất nước này. Theo Caixin,sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chạm đỉnh 2 năm trong tháng 6. Số đơn hàng trong nước và quốc tế cũng tăng. Tuy nhiên,mức tăng chậm hơn so với chỉ số chung. Báo cáo cho thấy nhu cầu hàng hóa tiêu dùng và trung gian hiện mạnh hơn so với máy móc,thiết bị.
Công nhân bên trong một nhà máy thép ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chật vật lấy lại vị thế,trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản đã kéo dài 3 năm. Gói giải cứu mới nhất công bố tháng 5 cũng chưa thể vực dậy thị trường này,khiến nền kinh tế càng bị kéo tụt.
Khảo sát cho thấy các chủ doanh nghiệp đang đối mặt với chi phí tăng cao,do giá nguyên liệu (thép,nhôm,đồng) và chi phí vận chuyển đi lên. Chỉ số theo dõi giá đầu vào vì thế cũng tăng mạnh nhất 2 năm.
"Niềm tin thị trường và nhu cầu chưa đủ vẫn là các thách thức chính",Wang Zhe - nhà kinh tế học tại Caixin Insight Group cho biết.
Chỉ số niềm tin của các hãng sản xuất trong 12 tháng tới đã xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2019,do lo ngại cạnh tranh tăng cao và triển vọng kinh tế thiếu chắc chắn. Tháng trước,ngành sản xuất Trung Quốc cũng giảm quy mô tuyển dụng.
Hà Thu (theo Reuters)