Bác sĩ Bùi Thanh Phong,Quản lý Y khoa,Hệ thống tiêm chủng VNVC,khuyến cáo như trên,thêm rằng người dân cần rà soát sổ tiêm của gia đình để tiêm đúng lịch. Khuyến cáo đưa ra trong bối cảnh Bắc Giang ghi nhận nữ sinh 18 tuổi mắc bạch hầu,di chuyển nhiều địa phương,nguy cơ lây lan cộng đồng.
Lịch tiêm vaccine cơ bản và nhắc lại theo từng nhóm như sau:
Trẻ dưới hai tuổi
Trẻ từ hai tháng tuổi có thể tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần bạch hầu. Mũi tiêm kết hợp phòng 4 bệnh gồm bạch hầu,ho gà,uốn ván,Hib; thêm bại liệt,viêm gan B tùy loại vaccine.
Phác đồ tiêm gồm bốn mũi khi trẻ 2,3,4 và 16-18 tháng tuổi.
Trẻ 4-6 tuổi
Giai đoạn 4-6 tuổi,trẻ cần tiêm nhắc một mũi vaccine có thành phần bạch hầu. Phụ huynh có thể chọn tiêm nhắc cho con bằng vaccine 4 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt.
Độ tuổi này,kháng thể nhận được từ bốn mũi vaccine đầu đời sẽ giảm dần theo thời gian. "Khi trẻ vào tiểu học,môi trường sinh hoạt đông người tăng nguy cơ mắc bệnh,cần tiêm vaccine để phòng ngừa",bác sĩ Phong cho biết.
Trẻ 4-6 tuổi tiêm nhắc vaccine ngừa bạch hầu tại VNVC. Ảnh: Nhật Linh
Thanh thiếu niên
Trẻ 9-15 tuổi cần tiêm nhắc một mũi phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván. Theo bác sĩ Phong,mũi tiêm này thường bị bỏ qua do lịch tiêm cách quá xa hoặc nhiều người cho rằng trẻ khỏe mạnh,không cần chủng ngừa.
Việc tiêm nhắc đúng lịch giúp tăng khả năng bảo vệ của lần chủng ngừa trước đó,chuẩn bị nền tảng sức khỏe cho quá trình dậy thì. "Nếu bỏ qua lịch tiêm ở độ tuổi này,trẻ cần tiêm bù càng sớm càng tốt",bác sĩ Phong lưu ý.
Người trưởng thành
Sau mũi tiêm lúc 9-15 tuổi,cứ mỗi 10 năm,mọi người cần tiêm nhắc vaccine 3 trong 1 phòng bạch hầu,uốn ván. Người trưởng thành tiếp xúc xã hội nhiều,thường xuyên di chuyển do đó nguy cơ cao mắc bệnh và lây cho các đối tượng khác. Ngoài ra,càng lớn tuổi,hệ miễn dịch càng suy yếu nên cần tiêm nhắc vaccine để tăng khả năng phòng bệnh.
Người mang thai
Thai phụ cần bổ sung mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ. Đây là mũi tiêm bảo vệ mẹ và thai nhi đồng thời truyền kháng thể cho em bé khi sinh ra,phòng bệnh trong những tháng đầu đời.
Thai phụ nếu chưa rõ lịch sử tiêm chủng cần bổ sung hai mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván,hoàn thành phác đồ trước khi sinh tối thiểu một tháng. Trường hợp đã tiêm ngừa chỉ cần bổ sung một mũi tiêm,cách thời điểm sinh tối thiểu một tháng. Mũi nhắc tiêm vào thai kỳ tiếp theo.
Người chưa rõ lịch sử tiêm chủng
Bác sĩ Phong khuyến cáo trẻ em và người lớn không rõ lịch sử tiêm ngừa cần bổ sung mũi bạch hầu trong thời gian sớm nhất. Tùy tiền sử tiêm chủng,bác sĩ sẽ chỉ định lịch tiêm phù hợp từng người. Người trên 7 tuổi cần tiêm ba mũi trong vòng 7 tháng,trong đó hai mũi đầu cách nhau một tháng,mũi ba tiêm 6 tháng sau mũi hai. Với trẻ dưới 7 tuổi,nếu chưa rõ phác đồ tiêm chủng,gia đình cần đến cơ sở tiêm vaccine để bác sĩ tư vấn cụ thể.
Bác sĩ Phong lưu ý cần tiêm ngừa đủ lịch,đúng liều,kể cả các mũi nhắc để phát huy hiệu quả vaccine. Ngoài ra,người dân cần kết hợp nhiều biện pháp phòng bạch hầu như giữ vệ sinh cá nhân,rửa tay thường xuyên,vệ sinh vùng họng mũi,dinh dưỡng đầy đủ,tăng cường vận động nâng cao thể trạng.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan,hầu họng,thanh quản,mũi,có thể xuất hiện ở da,kết mạc mắt,bộ phận sinh dục. Dấu hiệu là sốt nhẹ,khàn tiếng,ho,các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu. Nếu không được điều trị kịp thời,giả mạc gây tắc đường thở,làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh là 5-10%.
Nhật Linh